Hải Dương 60 năm trước
Những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Văn Quang Đức, 109 tuổi, ghi lại hình ảnh con người, mảnh đất Hải Dương trong lao động, xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Bức ảnh bộ đội hành quân qua cổng đền Kiếp Bạc, TP Chí Linh, được ông Đức chụp năm 1972, đặt tên "Truyền thống giữ nước".
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức sinh năm 1915 ở Hà Nam, hiện sinh sống tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ông là một trong 71 hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; hội viên Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP).
Bức ảnh nhân dân Hải Dương bắt sống phi công năm 1968 được ông Đức đặt tên "Bắt sống giặc lái".
Năm 18 tuổi, ông Đức học nghề chụp ảnh rồi tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau đó, ông đưa gia đình chuyển về thị trấn Kinh Môn (nay là phường An Lưu, thị xã Kinh Môn) sinh sống và tiếp tục làm nghề chụp ảnh. Ông đã có trên 100 tác phẩm đoạt giải, được triển lãm ở nhiều tỉnh thành, một số được triển lãm quốc tế.
"Tình quân dân" ghi lại hình ảnh giản dị, ấm áp khi người dân mang nước cho bộ đội uống, năm 1968.
Ba bức ảnh trên thuộc chủ đề dấu ấn thời bom đạn, trong sách ảnh "Khoảnh khắc của thời gian", giới thiệu 125 bức ảnh tiêu biểu trong quá trình cầm máy của nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức.
Thị xã Kinh Môn trong trận lũ lịch sử năm 1968.
Nghệ sĩ Văn Quang Đức chia sẻ rất tâm huyết với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "máy ảnh là thứ vũ khí đấu tranh giai cấp sắc bén" nên ông luôn xông xáo để có thể chụp những bức ảnh có giá trị.
Bức ảnh "Chiều trên sông Kinh Thầy", con sông nổi tiếng trong văn học với những cánh buồm nâu ẩn hiện trong sương sớm được nhiếp ảnh gia ghi lại năm 1969. Tác phẩm tham gia triển lãm ảnh nghệ thuật Rumani năm 1969.
Bến đò Dinh, nối Hải Dương với Hải Phòng được chụp những năm 60 của thế kỷ trước.
Sống ở vùng đất Kinh Môn, ven con sông Kinh Thầy từ năm 1951, ông Đức đã chụp rất nhiều ảnh sông nước và đưa vào sách ảnh với chủ đề "Những dòng sông kể chuyện".
Tác phẩm "Đường cày đảm đang" giải đồng hạng của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1969. Ông Đức dành nhiều thời gian, công sức ghi lại cảnh lao động, sản xuất của người dân trên cánh đồng.
"Đường về của lúa", tác phẩm dự triển lãm tại Liên Xô năm 1967.
Theo nhiếp ảnh gia Văn Cả Quyết, con trai ông Đức, ngọn núi và cánh đồng trong ảnh này ở khu động Kính Chủ, thị xã Kinh Môn, vẫn còn khá giống ảnh. Ông Quyết sẽ tìm chụp lại góc giống như cha ông đã ghi lại.
"Được nắng", tác phẩm tham gia triển lãm tại Đức năm 1968, ghi lại cảnh phơi thóc ở sân hợp tác xã. Tác phẩm này nằm trong chủ đề "Mùa vàng trên những cánh đồng".
"Chiều về" ghi cảnh những cậu bé quê cưỡi trâu trên đường làng về nhà. Tác phẩm khiến nhiều người hoài niệm về tuổi thơ lam lũ, chăn trâu cắt cỏ trên đồng.
Nghệ sĩ Văn Quang Đức sở hữu nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật phản ánh cuộc sống và công việc đồng áng của người dân Kinh Môn cần cù chịu khó, yêu lao động.
Cảnh người dân đi hội đền Cao, ngôi đền nằm trên đỉnh núi An Phụ, thị xã Kinh Môn, thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Sống và làm việc nhiều năm ở Kinh Môn, ông Văn Quang Đức đã lưu lại rất nhiều hình ảnh về mảnh đất này.
Một góc phố An Lưu năm 1967, nơi gia đình ông Đức sinh sống. Ngày nay, những ngôi nhà đơn sơ, lợp lá đã được thay thế bằng nhà phố khang trang, sầm uất.
Ở tuổi 109, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Quang Đức vẫn khỏe mạnh. Ông vừa được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, UBND thị xã Kinh Môn tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật và ra mắt sách "Khoảnh khắc của thời gian".
Ban tổ chức triển lãm đánh giá ông Đức đã dành cả cuộc đời cho nhiếp ảnh với tinh thần lao động nghiêm túc, hết mình vì nghệ thuật, để lại hàng nghìn bức ảnh có giá trị, thể hiện trách nhiệm của một công dân, một nghệ sĩ trước những biến chuyển lịch sử của dân tộc và thời đại.
Nguồn: https://vnexpress.net/hai-duong-60-nam-truoc-4785067.html